Góp phần làm tăng chỉ số sản xuất công nghiệp địa phương
Tiêu biểu là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp xây dựng đã tạo ra giá trị sản xuất gần 9 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so năm 2011. Trong đó, nhiều doanh nghiệp tăng trưởng khá như: Công ty TNHH Bia Huế (tăng 23%); Công ty Khoáng sản tỉnh (tăng 24%); Công ty CP Thủy Điện Hương Điền (tăng gần 9%), Công ty CP dệt May Huế (tăng 13%), Công ty CP Sợi Phú Nam (tăng 13%), Công ty CP Sợi Phú Thạnh (tăng 19%), Công ty CP Sợi Phú Việt (tăng 26%), Công ty ShaiyooAA (tăng 47%)... Nhiều dự án đầu tư sản xuất công nghiệp có quy mô lớn đang được đẩy nhanh tiến độ như Nhà máy xi măng Đồng Lâm đang lắp đặt thiết bị; Nhà máy thuỷ điện A Lưới đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2012 với sản lượng điện khá lớn... đã góp phần làm tăng chỉ số sản xuất công nghiệp địa phương.
Đáp ứng nhu cầu người dân và góp phần bình ổn thị trường
Trong lĩnh vực dịch vụ, các doanh nghiệp đã tạo ra tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên 21 nghìn tỷ đồng, tăng 22%. Các doanh nghiệp thương mại tiếp tục đóng góp quan trọng trong việc bình ổn thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh hệ thống siêu thị bán lẻ phát triển rộng khắp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và du khách như Công ty Big C Huế, Co.oorp Mark, HTX mua bán Thuận Thành... Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đạt giá trị cao chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 như Công ty TNHH Hanesbrand Việt Nam chi nhánh Huế chiếm 38,8%, kim ngạch xuất khẩu tăng 22,4% so cùng kỳ năm trước; Công ty CP Dệt may Huế chiếm 11,7%, tăng 94%; Công ty liên doanh Trồng và chế biến nguyên liệu giấy xuất khẩu chiếm 6%, tăng 99%. Dịch vụ vận tải, viễn thông, tài chính ngân hàng tiếp tục phát triển; dịch vụ y tế giáo dục khoa học công nghệ tiếp tục phát triển theo hướng xã hội hóa.
|
Công ty TNHH Hanesbrand Việt Nam chi nhánh Huế (HBI) tại KCN Phú Bài
|
Doanh thu du lịch ước đạt 1.395 tỷ đồng
Lĩnh vực du lịch tiếp tục được duy trì phát triển, đặc biệt năm Du lịch Quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ năm 2012, trọng tâm là Festival Huế, đã tổ chức nhiều hoạt động lễ hội văn hóa, du lịch đặc sắc tạo ra sự tăng trưởng cao trong phát triển du lịch. Tổng lượt khách du lịch năm 2012 đạt khoảng 2,5 triệu lượt, trong đó khách lưu trú đạt 1.733 nghìn lượt, tăng 9%; doanh thu du lịch ước đạt 1.395 tỷ đồng, tăng 24,9%. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch tiếp tục duy trì phát triển ổn định, một số dự án mới đi vào hoạt động như dự án Laguna Huế đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động đầu tư năm 2012 tăng cao so với năm 2011
Trong hoạt động thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, mặc dù có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng hoạt động đầu tư và đăng ký kinh doanh vẫn tiếp tục chuyển biến tích cực. Trong năm 2012, đã cấp mới 18 giấy chứng nhận đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký gần 7.300 tỷ đồng, tăng gấp 9 lần so với năm 2011; điều chỉnh 21 dự án, vốn đăng ký tăng 1.133,9 tỷ đồng; cấp mới 03 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 9,2 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 02 dự án FDI, số vốn tăng 4,3 triệu USD. Vốn đầu tư FDI thực hiện năm 2012 đạt khoảng 124,4 triệu USD tăng 8%. Hoạt động đầu tư mới và đăng ký hoạt động kinh doanh nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục tăng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn đạt trên 3.700 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 20.000 tỷ đồng, (bình quân 5 tỷ đồng/doanh nghiệp); trong đó có 11 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, 64 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, số còn lại là doanh nghiệp cổ phần và ngoài quốc doanh.
|
Nhiều nhà đầu tư lớn có uy tín, thương hiệu đang hoạt động tích cực (Ảnh: Nhà máy bia Phú Bài của Công ty Bia Huế tại Phú Bài)
|
Nhiều nhà đầu tư lớn có uy tín, thương hiệu đang hoạt động tích cực trên các lĩnh vực như: Công ty Bia Huế có năng lực sản xuất 210 triệu lít bia/năm; Công ty xi măng Luks Việt Nam có năng lực sản xuất 2,5 triệu tấn xi măng/năm; Tập đoàn Banyan Tree đang đầu tư khu du lịch Laguna có năng lực đón khách dự kiến 100 nghìn lượt/năm, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như dệt may, thủy điện, khoáng sản, dịch vụ du lịch, tài chính ngân hàng tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.
Góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà trong năm 2012
Có thể nói rằng, với những kết quả đạt được nói trên, cộng đồng doanh nghiệp Thừa Thiên Huế đã góp phần quan trọng trong phát triển ổn định nền kinh tế của Tỉnh nhà, cũng như góp phần đắc lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm qua. Trong năm 2012, với sự quyết tâm của cả bộ máy chính trị, sự nỗ lực của nhân dân toàn tỉnh, trong đó có vai trò to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt và vượt kế hoạch 10/13 chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,7%, mặc dù chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng đã là một trong số ít Tỉnh đạt mức tăng trưởng cao (khu vực doanh nghiệp đóng góp 39,5% tổng GDP toàn tỉnh; trong đó khu vực nông lâm thủy sản chiếm 0,44%, khu vực công nghiệp xây dựng chiếm 26,65%, khu vực thương mại dịch vụ chiếm 11,6%); Thu ngân sách đạt 5.957 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 12.500 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu 460,5 triệu USD; giải quyết việc làm cho 16.600 lao động, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 8%; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, chính trị ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững, an sinh xã hội được đảm bảo đã góp phần khẳng định vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế và tạo ra bước chuyển biến tích cực trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương.