|
|
|
|
| | |
|
Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp Ngày cập nhật 04/08/2010 | Tuyên dương các doanh nhân tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế |
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp. Có hiệu lực thi hành từ ngày 20/9/2010. Theo đó, đối tượng được xét tôn vinh và trao giải thưởng doanh nhân là người Việt Nam có các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam, người nước ngoài có các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của pháp luật; doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Việc xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng theo nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp, không hạn chế số lượng tham dự; phải đảm bảo công khai, khách quan, công bằng trên cơ sở tự nguyện của doanh nhân, doanh nghiệp.
Các hành vi bị nghiêm cấm như đặt danh hiệu và giải thưởng trái pháp luật, trái với đạo đức, phong tục, tập quán, thuần phong, mỹ tục của Việt Nam; huy động kinh phí dưới các hình thức đối với cá nhân, tổ chức trong danh sách tham gia bình chọn xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng; lợi dụng danh hiệu đã được tôn vinh và giải thưởng đã được trao để có hành vi vi phạm pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để ép buộc doanh nhân, doanh nghiệp tham dự xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng;...
6 điều kiện doanh nhân, doanh nghiệp được xét tôn vinh danh hiệu
Các doanh nhân và doanh nghiệp được tham dự xét tôn vinh và trao giải thưởng phải đáp ứng 6 điều kiện. Đó là thực hiện đúng các quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, lao động, đất đai, xây dựng, đấu thầu, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh an toàn lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; tổ chức sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển; chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính, thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, phải đảm bảo đời sống, việc làm ổn định cho người lao động; thực hiện đúng các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và pháp luật về sở hữu trí tuệ; thực hiện nghiêm các quy định khác của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nhân và doanh nghiệp.
3-5 năm/lần xét tôn vinh danh hiệu cấp toàn quốc
Phạm vi tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức; đối tượng tham dự là các doanh nhân, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có đăng ký kinh doanh hoặc có chi nhánh sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thời gian tổ chức cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ 2 dến 3 năm một lần.
Phạm vi tổ chức toàn quốc bao gồm Liên Bộ, liên ngành hoặc liên tỉnh do một Bộ (ngành, đoàn thể Trung ương) hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì hoặc đồng chủ trì tổ chức; hoặc một Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương tổ chức có sự tham dự của các doanh nhân, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Thời gian tổ chức cấp toàn quốc từ 3 đến 5 năm một lần.
Có quyền sử dụng, khai thác thương mại biểu trưng giải thưởng
Có 2 hình thức tôn vinh danh hiệu và giải thưởng là giấy chứng nhận danh hiệu, giải thưởng; Cúp lưu niệm (hoặc các phần thưởng khác).Giấy chứng nhận danh hiệu, giải thưởng, Cúp lưu niệm do ban tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng quy định và chứng nhận.
Doanh nhân, doanh nghiệp được tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng có quyền sử dụng, khai thác thương mại biểu trưng giải thưởng; được ưu tiên khi xét tham gia các chương trình xúc tiến thương mại (ở trong nước và nước ngoài); có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến các bài học kinh nghiệm, giữ gìn và phát huy thành tích đã đạt được.
Quyết định nêu rõ, Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ giúp Chính phủ quản lý nhà nước về tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp.
(Nguồn: Quyết định 51/2010/QĐ-TTg)
Các tin khác
|
|