THỪA THIÊN HUẾ THẾ VÀ LỰC MỚI
Ngày cập nhật 24/12/2007
.

 

Đ/c Nguyễn Xuân Lý, PBT Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Cụm Thi đua phát biểu tại Hội nghị giao ban Cụm

     Thế kỷ XX để lại trong lịch sử Thừa Thiên Huế những dấu ấn sâu sắc, cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Bước vào thời kỳ đổi mới, với đức tính cần cù, dũng cảm, chịu thương chịu khó, đoàn kết, thuỷ chung, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế cùng "chung lưng đấu cật" đương đầu với sóng gió dữ dội của biển cả, gồng mình chống úng khi lũ về, chống hạn khi hè tới để biến những tiềm năng, thế mạnh của mình thành thế và lực mới trong thế kỷ XXI - thế kỷ của hội nhập và phát triển.

 Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến có bề dày lịch sử - văn hoá lâu đời, đặc sắc và truyền thống yêu nước đấu tranh cách mạng vẻ vang được Trung  ương  tặng  tám  chữ vàng "Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường". Thừa Thiên Huế còn tự hào là nơi nuôi dưỡng tâm hồn thời trai trẻ người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh      

Thừa Thiên Huế còn được biết đến là một trung tâm văn hoá - du lịch, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm đào tạo đa ngành chất lượng cao của Việt Nam. Huế - thành phố hòa bình - thành phố Festival - đô thị loại I trực thuộc tỉnh - là niềm tự hào và tin yêu của nhân dân cả nước .Người dân Thừa Thiên Huế có truyền thống hiếu học từ bao đời nay và có lối sống văn minh, lịch thiệp, hiếu khách.

Thừa Thiên Huế nằm trên các trục giao thông chính, có cảng biển nước sâu Chân Mây, cảng Thuận An với quy mô lớn phục vụ cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên và tiểu vùng Mê Kông; có sân bay quốc tế Phú Bài nằm trên quốc lộ 1A, tuyến đường sắt xuyên Việt chạy dọc theo tỉnh, có 02 cửa khẩu quốc gia ( S3, S10) trên tuyến biên giới Việt – Lào. Với vị thế đó, Thừa Thiên Huế được xác định là cực phát triển kinh tế quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là cửa ngõ của tuyến hành lang thương mại Đông - Tây nối Myanma, Thái Lan, Lào với biển Đông.

Lãnh đạo Trung ương và Tỉnh đến thăm cảng Chân Mây

Phát huy tiền năng và thế mạnh, kế thừa những thành tựu đã đạt được sau 30 năm phát triển. Từ năm 1990 đến nay, cơ cấu kinh tế đã 02 lần được chuyển đổi từ nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ sang công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp vào năm 1994; từ công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp sang dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp năm 2005. Nhờ đó mà kinh tế của tỉnh tăng trưởng nhanh và khá toàn diện (bình quân 8,4%/năm, cao hơn hẳn so với mức 3,4%/năm của thời kỳ 1976 - 1989), thời kỳ 2001 - 2005 đạt bình quân 9,6%/năm, riêng năm 2006, đạt 13,4%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Tiềm lực kinh tế được nâng cao một bước quan trọng, quy mô toàn nền kinh tế hiện nay đã tăng gấp gần 3 lần so năm 1990, trong đó công nghiệp tăng 4,3 lần, dịch vụ tăng 2,5 lần, nông nghiệp tăng 1,2 lần. GDP bình quân đầu người  đến năm 2004 đạt 509 USD, gấp 2,3 lần so với năm 1990.

Các thành phần kinh tế có cơ hội và điều kiện phát triển. 5 năm qua khu vực kinh tế tư nhân tăng lên mạnh mẽ, số doanh nghiệp mới đăng ký cao gấp 5,6 lần so với 9 năm trước đó (1991-1999). Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ mới hình thành từ năm 1992 nhưng đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tạo ra 40% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp gần 10% GDP của tỉnh, 42% trong tổng thu ngân sách địa phương.

Công tác đầu tư xây dựng trong thời kỳ đổi mới có sự phát triển nhanh chóng cả về quy mô vốn và khối lượng công trình. Nhiều năng lực sản xuất mới đã được đầu tư và đang từng bước phát huy tác dụng như các tuyến giao thông ngang nối với cầu Hòa Xuân (Phong Điền), cầu Trường Hà (Phú Vang), các cửa khẩu nối với nước bạn Lào, Cảng nước sâu Chân Mây, sân bay Quốc tế Phú Bài, đường Hồ Chí minh, Hầm đường bộ Hải Vân…các khách sạn 5 sao, 4 sao, các nhà máy xi măng, các công trình thủy điện Bình Điền, Hương Điền, A Lưới được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng đã tạo ra thời cơ mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp Phú Bài, Hương Sơ, Tứ Hạ, Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô; các cụm điểm du lịch: Lăng Cô - Bạch Mã - Hải Vân; khu nước khoáng Thanh Tân, Tân Mỹ - Thuận An...đã và đang được triển khai và thu hút đầu tư đã tạo một diện mạo mới cho Thừa Thiên Huế trong sản xuất hàng hoá và dịch vụ. Thành phố Huế đựợc Chính phủ công nhận là thành phố loại I trực thuộc tỉnh;  Đại học Huế cùmg với hệ thống giáo dục của tỉnh từng bước phát triển xứng đáng là trung tâm giáo dục đào tạo đa nghành, chất lượng cao và chuyên sâu của Miền Trung. Ngành Y tế cũng không ngừng phát triển mà hạt nhân là bệnh viện Trung ương Huế đang được đầu tư nâng cấp xứng đáng và ngang tầm là Trung tâm y tế chuyên sâu miền Trung.

Cửa Bắc hầm đường bộ Hải Vân

 Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng", xây dựng Nhà tình nghĩa được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Thừa Thiên Huế cũng đã và đang từng bước giải quyết các vấn đề xã hội, cấp bách như đẩy mạnh cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, giảm số hộ nghèo trong toàn tỉnh còn lại dưới 8%. Chương trình xóa nhà tạm cho đồng bào nghèo cơ bản hoàn thành vào năm 2005.

Sự nghiệp y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa thông tin thể dục thể thao được quan tâm phát triển. Hệ thống trường học đã được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, toàn tỉnh đã phổ cập giáo dục phổ thông cơ sở; 100% xã, phường, thị trấn trạm y tế đều có  bác sĩ;  công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa Huế được thực hiện có hiệu quả  đã góp phần xây dựng Huế trở thành trung tâm giao lưu văn hóa quốc gia và quốc tế, một trong năm đô thị cấp quốc gia và là một thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Với những thành tích đã đạt được, tỉnh Thừa Thiên Huế vinh dự được Chính phủ tặng Giải nhất Phong trào Thi đua năm 2006 về việc Thực hiện Chỉ thị 17/2006/CT – TTg của Thủ tướng Chính phủ Cụm 6 tỉnh Bắc Trung bộ.

Đặc biệt Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế đang được Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương đề nghi Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân Chương Độc lập hạng Nhất vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Xuân Mậu Thân (1968 – 2008)

             Những thành tích và kết quả đạt được của Thừa Thiên Huế trong quá trình đấu tranh và lao động sáng tạo sau 30 năm xây dựng và phát triển là sự kế tục và phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực tự cường, là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân, dưới sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ Việt Nam; sự giúp đỡ, ủng hộ của nhân dân trong cả nước, đồng bào Việt Nam định cư ở nước ngoài, đó là những tiền đề để tiếp tục đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương Thừa Thiên Huế giàu đẹp tiến lên một bước mới có tính toàn diện và vững chắc hơn trong thế kỷ XXI.

Xem tin theo ngày