Tìm kiếm tin tức
Nhân rộng điển hình trong phát triển KT-XH biển, đảo
Ngày cập nhật 11/12/2012

 (TTH) - Thực hiện "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X), Thừa Thiên Huế chú trọng công tác tuyên truyền biển, đảo, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

 Chú trọng tuyền truyền biển, đảo

Tại Hội nghị Tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, nhân tố mới về phát triển kinh tế biển, đảo Việt Nam năm 2012 tại Đà Nẵng, ông Đặng Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại, hợp tác quốc tế Trung ương cho biết: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển. Do đó, các địa phương cần tuyên truyền sâu rộng, động viên bà con ngư dân bám biển; ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế biển, đảo; thực hiện nghiêm túc cơ chế chính sách như: hỗ trợ dầu, hậu cần nghề cá. Mục đích của hội nghị nhằm phát hiện ra những điển hình tiên tiến, những nhân tố mới trong phát triển kinh tế biển, đảo; bởi họ đều có những kinh nghiệm hay, những sáng tạo giỏi trong phát triển kinh tế biển, sự hiện diện của ngư dân chính là chủ quyền của chúng ta trên biển Đông”.
 

Ngư dân vui mừng sau chuyến biển về

 
Để kinh tế biển phát huy hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội của địa phương, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể coi trọng công tác tuyên truyền biển, đảo để người dân đồng thuận, thấy được lợi ích từ kinh tế biển để có sự quan tâm đầu tư, quyết tâm bám biển và làm giàu từ biển. Khai thác thủy hải sản là ngành kinh tế biển quan trọng, không chỉ đóng góp vào tỷ trọng GDP mà còn có nhiều nhân lực hiện diện trên biển, tham gia giữ vững an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. 
 
 Ông Trần Xuân Nguyện, Trưởng phòng Tuyên truyền Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: “Tỉnh ta có lợi thế với chiều dài bờ biển 128 km, có nhiều ngư dân sinh sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản... nên công tác tuyên truyền về biển, đảo nói chung, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, đảo nói riêng thường xuyên được chú trọng. Những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, sự hướng dẫn, triển khai thực hiện của Ban Tuyên giáo các cấp, công tác tuyên truyền về biển, đảo được chú trọng và đẩy mạnh hơn trước, đặc biệt là đối với nhân dân vùng biển”.
 
Ưu tiên nguồn lực
 
Toàn tỉnh hiện có hơn 2.000 phương tiện đánh bắt thủy hải sản trên biển, với 10.000 lao động khai thác thủy hải sản trên biển; trong đó, có 215 tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Để đảm bảo cho hoạt động khai thác thủy hải sản, bảo vệ chủ quyền trên biển, gần đây, bà con ngư dân sắm mới gần 20 tàu thuyền có công suất lớn để vươn ra khơi xa, hình thành 14 đội liên kết, gồm 40 tổ hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trên biển, tạo sự yên tâm cho ngư dân bám biển dài ngày. Một số địa phương như xã Vinh Thanh, Phú Hải, Phú Thuận (Phú Vang), Lộc Trì (Phú Lộc) tàu đánh bắt xa bờ tăng nhanh, khai thác thủy sản mang lại hiệu quả ngày càng cao; không những góp phần xóa đói giảm nghèo mà bà con ngư dân còn vươn lên làm giàu từ biển.
 

Hội Nghị Trung ương 4, khóa X ra Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”, xác định: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng khoảng 53%-55% tổng GDP của cả nước; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước...”.

Thời gian qua, Thừa Thiên Huế tập trung nhiều nguồn lực, giải pháp để từng bước phát huy lợi thế kinh tế biển. Ngoài quan tâm quy hoạch các khu vực dân cư ven biển, gắn với đầu tư xây dựng và phát triển các làng nghề, các ngành nghề từ biển, như đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy-hải sản, còn chú trọng đến việc đầu tư đóng mới và tăng cường các trang thiết bị, ngư lưới cụ cho đội tàu đánh bắt xa bờ; phát triển các hợp tác xã, tập đoàn nghề cá... Các xã ven biển, chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện, chăm lo để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; xây dựng và phát triển khá đồng bộ hệ thống hạ tầng như trường học, trạm y tế, điện, nước, đường giao thông nông thôn....
 
Đầu tư đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng. Khó khăn lớn nhất của ngư dân hiện nay là thiếu vốn đầu tư. Ông Ngô Đức Toan, chủ tàu đánh bắt xa bờ ở xã Phú Thuận (Phú Vang) cho biết: “Gia đình đầu tư 2 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, nhưng do công suất tàu thấp, kỹ thuật đánh bắt còn lạc hậu, năng lực hạn chế... nên sản lượng đánh bắt thấp. Gia đình muốn đầu tư cải tiến ngư lưới cụ, phù hợp với ngư trường hiện nay nhưng “lực bất tòng tâm”. Để có vốn đầu tư, bà con mong muốn Nhà nước sớm tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để đóng tàu vươn ra khơi xa...”. 
 
Thiết nghĩ, thời gian tới, chính quyền, đoàn thể các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân; đầu tư nguồn lực hợp lý để phát triển kinh tế biển, đảo theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; góp phần đóng góp quan trọng vào sự phát triển nền kinh tế của tỉnh, đồng thời giữ vững chủ quyền an ninh lãnh hải của Tổ quốc.
Bài, ảnh: Thanh Thuận
Báo Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày