Tìm kiếm tin tức
Những chuyện cảm động tại đại hội thi đua yêu nước
Ngày cập nhật 28/12/2010

Cô gái miền sông nước xin trứng vỡ nuôi em ăn học rồi vươn lên thành tỷ phú; người lính có hai con nhiễm chất độc da cam vẫn xách ba lô đi tìm hài cốt đồng đội... là những câu chuyện cảm động tại Đại hội thi đua yêu nước.

Chiều 27/12, trong khuôn khổ đại hội thi đua yêu nước, khán giả cả nước cũng như các điển hình tiên tiến đã có dịp giao lưu, gặp gỡ với nhau.

Bằng chất giọng mộc mạc miền sông nước, bà Phạm Thị Huân kể lại quãng đời lập nghiệp đầy chông gai để vươn lên lập công ty, chiếm lĩnh một nửa thị trường trứng gia cầm ở TP HCM. Sinh ra ở miền Tây Nam Bộ, từ thuở 12, bà Huân đã theo ba mẹ tập tành buôn bán, làm bạn với những nông dân chăn vịt chạy đồng. Lên 16 tuổi, quen công việc, bà Huân được mẹ giao cho chạy chợ. Một năm sau, cô gái trẻ đã trở thành "thương gia".

Sau giải phóng, bà Huân làm việc cho một công ty thương nghiệp. Có trứng vỡ, bà xin đem bán lấy tiền nuôi các em ăn học. "Lam lũ từ bé nên tôi ý thức sâu sắc giá trị của lao động, giá trị của những đồng tiền được chắt chiu bằng mồ hôi, công sức của mình", bà Huân tâm sự.

Sau một thời gian làm việc, bà nghĩ đến chuyên nghiệp hóa kinh doanh, vậy là Công ty TNHH Ba Huân ra đời, chuyên cung cấp trứng gia cầm cho thị trường.

Năm 2003, thị trường trứng và nông dân lao đao vì dịch cúm gia cầm. Không ai dám ăn trứng, những người kinh doanh trứng và các mặt hàng liên quan điêu đứng, thậm chí phá sản. Thấy nông dân đau khổ, những anh em gắn bó với mình đang ăn nên làm ra bỗng trắng tay, bà "đóng cửa nằm nhà vật vã như gà rù, vịt dịch".

Bà ba Huân kể về những năm tháng vươn lên lập nghiệp và giúp người nông dân thoát nghèo. Ảnh: Nguyễn Hưng.

"Để giúp bản thân và nông dân gắn bó với mình, tôi đã gom góp tiền ra nước ngoài xem họ xử lý thế nào với đại dịch. Và may mắn đã mỉm cười khi tôi tìm được hãng sản xuất thiết bị xử lý trứng gia cầm tại Hà Lan", bà Huân kể lại.

Nhưng số tiền để mua được dây chuyền công nghệ quá lớn, lên tới 30 tỷ đồng. Bất chấp lời khuyên can của bạn bè, gia đình, bà Ba Huân đã gom góp, vay mượn, bán kho hàng để mua máy.

"Đó là quyết định táo bạo nhưng cũng là bước ngoặt của tôi, của những người nông dân nuôi vịt. Hiện nay chúng tôi đã có dây chuyền thứ hai và trứng đã qua xử lý của công ty Ba Huân chiếm 50% thị trường TP HCM", bà Huân tự hào kể trong tiếng vỗ tay của hơn 1.000 đại biểu có mặt tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình.

Trong khi đó, ở vùng núi xa xôi, anh hùng lao động Nguyễn Văn Nhi, đội trưởng đội xây dựng số1, Công ty Sông Đà 6 đang hăng hái cùng đồng nghiệp tạo ra nguồn điện chiếu sáng cho mọi người.

Lúc mới cai sữa thì mẹ anh mất. Khi lên 6 bố cũng qua đời. Anh Nhi phải sớm bươn chải, lăn lộn để kiếm sống. Đã hơn 10 năm, chị Đặng Thị Tú (vợ anh) không quản vất vả, khó khăn theo chồng công tác, gửi lại hai đứa con cho ông bà ngoại nuôi.

Được nghe những chia sẻ của các đại biểu, đặc biệt là các hoàn cảnh vượt khó vươn lên, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã vỗ tay không ngớt. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Chị kể, công việc nhiều, hai vợ chồng thường ăn trưa vào lúc 1-2h chiều và ăn tối vào lúc 10h đêm. "Nhiều lúc ăn mà ứa nước mắt, nhai mãi không hết bát cơm, vừa thương mình vừa nhớ con", chị Tú nói.

Chị cho biết, chồng chị ham công việc quá, nhiều lúc được đi nghỉ mát nhưng sợ đi không biết giao việc cho ai, anh lại nhường hết cho anh em. Nhiều khi có việc đột xuất hay việc cần hoàn thành, anh lại cố sức làm, đến quá nửa đêm vẫn hăng hái.

Anh Nhi luôn trăn trở, phải tìm cách để tăng lương cho công nhân. Nghĩ là làm, anh tìm cách tăng năng suất, hiệu quả công việc, từ đó, mức lương công nhân cũng tăng dần. Anh tâm niệm, công trường như một tổ kén. Trong suốt những năm qua, mọi người được quy tụ lại thành một tập thể đoàn kết, khăng khít.

"Chỉ cần đồng lòng, hiểu tâm tư, nguyện vọng của anh em thì việc gì cũng thành công", anh Nhi nói.

Câu chuyện của thượng tá Trần Hữu Lưu, anh hùng lực lượng vũ trang, đội trưởng đội quy tập mộ liệt sĩ tỉnh Quảng Trị làm không ít người nghẹn ngào. Đã 28 năm làm nhiệm vụ trên đất Lào, đến nay, người chiến sĩ ấy vẫn miệt mài tìm hài cốt đồng đội trên đất bạn.

Một năm thì 7 tháng anh ở Lào, 5 tháng ở Việt Nam nhưng chỉ thứ bảy, chủ nhật mới được sum vầy bên gia đình. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Viên cho biết, hai đứa con lúc nào cũng hỏi mẹ “Khi mô ba về”. Những lúc ấy, dù nhớ chồng, dù buồn nhưng chị vẫn phải nuốt lệ vào trong, mỉm cười với con.

Ảnh: Nguyễn Hưng.
Thương tá Nguyễn Hữu Lưu (thứ 2 từ trái sang) miệt mài đi tìm hài cốt đồng đội suốt 28 năm qua. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Chồng đi xa, một tay chị chăm lo cho hai con, lo việc gia đình. Mỗi khi rảnh rỗi, chị và đứa con lớn lại lên đồi cao su làm để quên đi nỗi nhớ chồng và để dành dụm tiền cho con. "Bây giờ tôi còn khỏe, còn lo được cho chúng nó. Sau này, khi chúng tôi mất đi, không biết đời hai đứa sẽ ra sao", chị Viên nghẹn ngào nói.

Luôn tâm niệm phải trọn nghĩa anh em, vẹn tình đồng đội nên dù lo lắng cho vợ con, anh Lưu vẫn miệt mài trên những cung đường tìm hài cốt đồng đội. Không ít lần anh nhói lòng khi được tin vợ đau, con ốm. Thế nhưng việc chưa xong, anh chưa thể về. Hai đứa con anh Lưu đều nhiễm chất độc hóa học từ cha, sức khỏe vợ không tốt, nhưng anh luôn động viên vợ: "Nhà mình khổ, nhưng nhiều anh hùng, liệt sĩ vẫn còn nằm lại nơi đất bạn. Họ cần anh".

Chia sẻ đầy trăn trở của người sĩ quan quân đội khiến cả hội trường lặng đi vì xúc động, không ít người rơi nước mắt. Câu chuyện cảm động xen lẫn những niềm vui đầy nghĩa tình khi đoạn phim ngắn chiếu một gia đình ở Hà Tĩnh nhờ có anh Lưu và các chiến sĩ cùng đơn vị đã tìm thấy hài cốt người thân được trình chiếu. Những câu chuyện tương tự khiến anh và nhiều chiến sĩ trở thành người con trong gia đình thân nhân của hàng chục liệt sĩ.

Khi được một đại biểu hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong gần 30 năm đi tìm hài cốt, anh Lưu kể, năm 2000, đơn vị anh được người dân Lào báo tin có hài cốt đồng đội. Từ nơi ở đến vị trí đó 30 km nhưng không thể đi được xe. Đơn vị của anh phải đi bộ 3 ngày trời mới xác định được chính xác địa điểm. Sau khi cất bốc, chưa kịp mừng vui thì đám cháy rừng ập đến, bủa vây đường về.

"Lúc đó phát hiện có một hố bom, dưới có nước, tôi quyết định cả đội chuyển hài cốt xuống hố, đơn vị cũng xuống tránh lửa. Nước không dùng nấu cơm mà để dành chữa cháy phòng khi lửa đến. Quả thật, chỉ tích tắc sau đám cháy lan tới, chúng tôi phải dùng cây rừng và số nước đó mới qua cơn nguy khốn. Đó là kỷ niệm mà suốt cuộc đời này tôi không bao giờ quên", anh Lưu bồi hồi.

Cả đêm nhịn đói, sáng lại vận chuyển hài cốt đồng đội, thế nhưng cả đơn vị không thấy mệt mỏi vì đã bảo vệ vẹn toàn hài cốt của đồng đội.

Hoàng Thùy - Nguyễn Hưng

vnexpress.net
Các tin khác
Xem tin theo ngày