Phát biểu sáng 27/12, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh cho rằng ngoài những mặt tích cực, phong trào thi đua yêu nước vẫn còn những hạn chế về nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo trong công tác chỉ đạo. "Có nhiều nơi, nhiều lúc còn mang tính hình thức, sự phối hợp giữa các bộ ngành, cơ quan liên quan chưa chặt chẽ, đồng bộ, quá trình kiểm tra còn coi nhẹ", Tổng bí thư nhấn mạnh.
|
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tham dự đại hội. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo Tổng bí thư, để phong trào thi đua yêu nước mang lại hiệu quả cao, cần quan tâm việc phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến. Làm tốt việc khen thưởng sẽ kích thích phong trào thi đua, lựa chọn đúng những lá cờ đầu thì khen thưởng mới có tác dụng.
Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho biết, trong 5 năm qua, Đảng và nhà nước đã phong tặng 67 tập thể và cá nhân danh hiệu anh hùng lao động, 691 chiến sĩ thi đua toàn quốc, 11 huân chương sao vàng, huân chương Hồ Chí Minh và nhiều cờ thi đua của Chính phủ, bằng khen của thủ tướng...
Trên tất cả lĩnh vực đều có nhiều phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động. Ngành nông nghiệp đẩy mạnh phong trào thi đua chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng cánh đồng trang trại đạt 50 triệu đồng/ha/năm; ngành giáo dục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Dạy tốt, học tốt”, cuộc vận động “Hai không”; ngành y tế đẩy mạnh công tác y tế dự phòng, phong trào “Hiến máu nhân đạo” với sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế, Hội chữ thập đỏ Việt Nam và Trung ương Đoàn, phong trào học tập gương anh hùng Đặng Thùy Trâm...
|
1.500 anh hùng, điển hình tiên tiến được tôn vinh sáng nay. Ảnh: Hoàng Hà. |
Bên cạnh những thành tựu to lớn, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhìn nhận phong trào thi đua yêu nước vẫn còn nhiều hạn chế. "Có nơi còn biểu hiện hình thức, thiếu thường xuyên, liên tục, phát động nhưng thiếu các biện pháp tổ chức cần thiết bao gồm cả điều kiện và nguồn lực cán bộ để làm nòng cốt cho phong trào", bà Doan nói.
Phó chủ tịch nước cho rằng trong bình xét và suy tôn các danh hiệu thi đua còn biểu hiện nể nang, cào bằng, tỷ lệ đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp còn cao, không phù hợp với thực tế và không đảm bảo tính tiêu biểu. Một số nơi tỷ lệ khen thưởng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý còn nhiều, ít có những người lao động, trực tiếp làm ra sản phẩm.
"Có biểu hiện bệnh thành tích trong khen thưởng, khen thưởng chưa đồng đều, mới tập trung ở một số bộ, ngành, địa phương và một số lĩnh vực. Một số có biểu hiện thương mại hoá, chưa đảm bảo tính tiêu biểu, nêu gương và giáo dục, ít được dư luận xã hội đồng tình", Phó chủ tịch nhìn nhận.
1.500 đại biểu là những người ưu tú, tiêu biểu cho phong trào thi đua yêu nước của cả nước đã tham dự đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, trong đó có 338 anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đại diện tập thể anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chiến sĩ thi đua toàn quốc được phong tặng trong 5 năm qua. Ngoài ra có 1.001 điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực đời sống, xã hội.
Đại biểu cao tuổi nhất là GS, anh hùng lao động Vũ Khiêu, 94 tuổi; đại biểu trẻ nhất là Trần Ngọc Diễm Huyền, 10 tuổi, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Nam Thành Công (Đống Đa, Hà Nội).
Hoàng Thùy