Ngày 27/3/1948, theo đề nghị của Người, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Tháng 6 năm 1948, Người ký Sắc lệnh số 195 thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương. Sau đó, nhân kỷ niệm 1000 ngày kháng chiến toàn quốc, ngày 11/6/1948, Hồ Chủ tịch đã ra lời kêu gọi chính thức phát động cuộc vận động thi đua ái quốc với mục đích: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm với cách làm là dựa vào lực lượng và tinh thần của dân để đạt kết quả: Dân tộc độc lập – dân quyền tự do – dân sinh hạnh phúc. Trong thư gửi cụ Tôn Đức Thắng, Trưởng ban Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương. Người đã đưa ra cách thức khen thưởng thi đua: “Mỗi làng, mỗi nhà máy, mỗi ngành, mỗi huyện sẽ cử ra người khá nhất sau khi kết thúc cuộc thi đua 6 tháng. Những người làm được kết quả đặc biệt thì khen thưởng ngay. Những người này sẽ được bằng khen gọi là Chiến sỹ thi đua. Mỗi tỉnh, mỗi khu, mỗi ngành trong toàn khu hoặc toàn quốc, cử những người giỏi nhất. Những người này sẽ được bằng khen gọi là Anh hùng thi đua, do Chính phủ cấp. Những chiến sỹ thi đua và anh hùng thi đua sẽ được tôn trọng đặc biệt ở địa phương, quyền lợi này sẽ do Ban Thi đua Trung ương và Bộ Nội vụ đề nghị lên Chính phủ quyết định. Trong các làng, các xưởng… thì khen thưởng bằng ghi tên vào Bảng vàng và bằng cờ, biển danh dự và luận chuyển do Ban Thi đua trung ương và các đoàn thể tặng”.
Kể từ đó trở đi, phong trào thi đua ái quốc (sau gọi là thi đua yêu nước) diễn ra sôi nổi rộng khắp. Tùy theo tình hình thực tế của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử mà Ban Thi đua đề ra những yêu cầu, mục đích khác nhau và cứ cách vài năm, các đại hội anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc được tổ chức một lần. Trong những kỳ đại hội ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều tham dự và tận tình quan tâm, động viên, khuyến khích, khen thưởng kịp thời. Năm 1952 khi cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân ta đang phát triển, ta giữ thế chủ động trên các chiến trường chính, chuẩn bị bước vào giai đoạn Tổng phản công. Đúng ngày 1 tháng 5, Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc lần I được khai mạc trọng thể tại chiến khu Việt Bắc với sự tham gia của 7 Anh hùng quân đội và 150 Chiến sỹ thi đua tiêu biểu. Nhân dịp ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu “Trong phong trào thi đua chung thì phải gom góp sáng kiến, rút kinh nghiệm, tổng kết kinh nghiệm, trao đổi và phổ biến kinh nghiệm. Sáng kiến và kinh nghiệm cũng như những con suối nhỏ chảy vào sông to, những dòng sông to chảy vào bể cả. Không biết quý trọng sáng kiến và phổ biến kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc”. Người biểu dương các đại biểu xuất sắc vì: “Chiến sỹ thi đua là những người mới. Những người luôn luôn cố gắng thực hành cần – kiệm – liêm – chính, là những người tôi trung thành của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc” và Người kêu gọi: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua; ta nhất định thắng; địch nhất định thua”. Sau 3 năm khôi phục kinh tế, cải tạo XHCN và bước đầu phát triển kinh tế văn hóa miền Bắc, ngày 7/7/1958, Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ II được tổ chức tại thủ đô Hà Nội với sự tham gia của 26 Anh hùng lao động, 69 Anh hùng quân đội và 446 đại biểu đại diện cho 42.700 Chiến sỹ thi đua toàn quốc. Trong lời khai mạc Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chỉ có dưới chế độ dân chủ nhân dân và XHCN, chế độ mà nhân dân lao động làm chủ nước nhà, thì mới có phong trào thi đua. Phong trào thi đua yêu nước ở ta ngày càng phát triển vì nhân dân ta đã làm chủ nước nhà”. Người căn dặn: “Các anh hùng và chiến sy thi đua cần phải luôn luôn dìu dắt, giúp đỡ những người xung quanh mình tiến bộ. Mọi người đều phải cố gắng tiến kịp các anh hùng, chiến sỹ. Các anh hùng, chiến sỹ thì cần tiến mãi không ngừng:. Ngày 4/5/1962, giữa lúc quân dân miền Bắc đang ra sức thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, đẩy mạnh phát triển công nghiệp và nông nghiệp thì Đại hội Liên hoan Anh hùng, Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần III được tổ chức với 1060 đại biểu, thay mặt cho 288.144 Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Đặc biệt dựa vào ý nghĩa của phong trào đã đề ra từ Đại hội lần I: Thi đua chẳng những bồi dưỡng tinh thần đoàn kết và tinh thần yêu nước của dân tộc ta mà còn làm cho nhân dân ta đoàn kết với nhân dân lao động thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh vui mừng thông báo trong số các anh hùng lao động Việt Nam đã có thêm 02 nhà du hành vũ trụ Xô Viết là Gagarin và Titốp. Người cũng chỉ rõ: “CNXH là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân và do nhân dân tự xây dựng lấy. Muốn đạt được mục đích đó, thì nhân dân phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm; mỗi người phải cố gắng trở thành lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, anh hùng lao động; mỗi người phải nâng cao tình thần làm chủ nước nhà” và Người tin tưởng kết luận: “Công việc của chúng ta ngày càng phát triển, chúng ta phải khắc phục nhiều khó khăn, nhưng nhân dân ta cần cù và dũng cảm. Trong thời kỳ cách mạng, kháng chiến và ngày nay xây dựng CNXH, nhân dân ta luôn luôn tin tưởng ở Đảng, đoàn kết khăng khít với Đảng ta. Nhà nước ta có rừng vàng biển bạc, của cải tiềm tàng rất nhiều. Đó là những điều kiện căn bản vô cùng thuận lợi để phát triển, cho nên tương lai của ta rất tươi sáng, vẻ vang”. Năm 1966, khi tất cả nước ta đương đầu với đế quốc Mỹ xâm lược, quân dân miền Bắc vừa chống chiến tranh phá hoại, vừa tiếp tục xây dựng CNXH và làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn thì Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước được khai mạc ngày 30/12. Trong bài phát biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đại hội này có đại diện của đồng bào miền Nam, có đại biểu công nhân, nông dân, có những đồng chí trí thức… Thế là có đủ tất cả trai, gái, miền xuôi, miền ngược, trẻ có, già có, Bắc có, Nam có. Như thế là tốt. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa của chúng ta bất kỳ làm việc gì, nghề gì mà Đảng và Chính phủ giao cho đều làm tròn và làm vượt mức, làm xuất sắc đều là anh hùng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định trong bất kỳ phong trào thi đua nào và ở đâu, anh hùng, chiến sĩ thi đua chính là những hạt nhân cách mạng trong phong trào sản xuất, công tác bởi: “Anh hùng chiến sĩ thi đua là những người tiên phong trong sản xuất mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng. Họ đặt lợi ích chung của dân tộc trên lợi ích riêng của cá nhân. Họ toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân chứ không phải nữa tâm nữa ý. Họ không sợ khó nhọc ra sức vượt mọi khó khăn để hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho họ, chứ họ không suy bì hơn thiệt của cá nhân, không ganh tị về địa vị và hưởng thụ. Họ không giấu nghề, không dìm những anh em chung quanh mình. Họ giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ. Họ không tự kêu, tự mãn, tự tư, tự lợi. Đó là những đức tính cách mạng mà chúng ta cần phải học tập các anh hùng chiến sĩ thi đua”. Ngoài ra, mỗi chiến sĩ đua cần ý thức rằng: “Thành tích là thành tích của tập thể. Tách rời tập thể dù tài giỏi mấy, một cá nhân cũng không thể làm được gì, cho nên càng có thành tích thì càng phải cố gắng, càng phải khiêm tốn, tuyệt đối, chớ tự mãn, tự túc. Các anh hùng, chiến sĩ thi đua cần phải luôn luôn dắt dìu, giúp đỡ những người chung quanh mình cùng tiến bộ”.