Thi đua là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội Ngày cập nhật 11/06/2013 (TTH) - Nhân kỷ niệm 65 năm, ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi “Thi đua ái quốc” (11/6/1948 – 11/6/2013), phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc phỏng vấn bà Phan Thị Hồng Loan, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Thi đua Khen thưởng tỉnh. Đánh giá về những thành tựu trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh thời gian qua, bà Phan Thị Hồng Loan cho biết: Trong những năm qua, công tác thi đua khen thưởng của tỉnh đã có sự thay đổi, tạo ra bước phát triển tiến bộ nhiều mặt và ảnh hưởng tích cực đến phạm vi toàn xã hội. Ở nhiều địa phương, đơn vị nội dung phong trào thi đua yêu nước đã được cấp ủy Đảng và chính quyền đưa vào nghị quyết, chương trình hành động và được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của quá trình quản lý điều hành ở địa phương, cơ quan. Việc coi trọng, quan tâm chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện khen thưởng đúng thành tích, đảm bảo nguyên tắc, công tác thi đua khen thưởng ở các cấp, ngành đã thực sự lan tỏa và tác động tích cực, động viên thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định trật tự và an toàn xã hội. Tất cả các phong trào thi đua yêu nước ở tỉnh ta trong thời gian qua đều thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, mang tính xã hội nhân văn, khơi dậy tình làng nghĩa xóm, cổ vũ động viên người người thi đua, ngành ngành thi đua, lập nên nhiều thành tích rất đáng khích lệ. Có thể khẳng định, phong trào thi đua yêu nước ở Thừa Thiên Huế đã và đang đi vào cuộc sống, là nguồn lực tạo nên sức mạnh tổng hợp, là động lực thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, trong năm 2012, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: Dịch vụ, du lịch chiếm 48% trong GDP; công nghiệp – xây dựng đạt 37,8%; nông – lâm – ngư nghiệp đạt 14,2%. Thu ngân sách nhà nước đạt 5.861,4 tỷ đồng, đạt 116 % kế hoạch đề ra; giá trị xuất khẩu đạt 460,5 triệu USD, đạt 115% kế hoạch đề ra; tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề, tạo việc làm mới, tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước sạch, độ che phủ rừng, tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom đều đạt mục tiêu đề ra.
Đặc biệt, trong thời gian qua phong trào thi đua “Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới” đã được các huyện, thị xã; các xã tổ chức thực hiện. Các nội dung chương trình, qui hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới được tuyên truyền sâu, rộng đến tận thôn bản, điểm dân cư; tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia thực hiện. Ngoài phong trào xây dựng nông thôn mới; các sở, ban ngành, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch thi đua thường xuyên, theo đợt và đột xuất; tổ chức các phong trào thi đua như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật”, “Thi đua lập nghiệp, lao động sáng tạo”, “Giỏi một việc biết nhiều việc”... Qua các phong trào, đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân lao động sáng tạo, tiêu biểu như: Bà Ngô Thị Nhân, hội viên Hội Nông dân xã Phong Hiền, ông Nguyễn Hinh, hội viên Hội Nông dân thị trấn Khe Tre (Nam Đông); Hải đội 2 Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường, Công ty Cổ phần Dệt may Huế...
Vậy phong trào còn gặp những hạn chế, khó khăn gì không - thưa bà?
Bà Phan Thị Hồng Loan: Những hạn chế, khó khăn tồn tại là: Một số cấp ủy Đảng, chính quyền; thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể chưa thật sự quan tâm, chưa coi thi đua là động lực phát triển xã hội, là công cụ quản lý, chưa chú trọng đến khâu phát động, đăng ký thi đua, nội dung mục tiêu thi đua chưa rõ ràng, hình thức thi đua không phù hợp. Sự phối kết hợp giữa các cấp, ngành, Mặt trận và các đoàn thể chưa được đồng bộ; chưa chú trọng việc sơ, tổng kết để kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân điển hình; trong việc bình xét các danh hiệu thi đua, đề nghị cấp trên khen thưởng còn mang tính hình thức. Cán bộ theo dõi công tác thi đua hhen thưởng kiêm nhiệm, nhiều việc nên chưa làm hết chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc theo dõi, chỉ đạo phong trào thi đua. Phong trào thi đua trong các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, nhất là trong các doanh nghiệp tư nhân còn nặng về hình thức, chưa phát huy nhiều tác dụng. Tỷ lệ khen thưởng cho người lao động, tập thể trực tiếp tham gia lao động sản xuất còn ít so với số lượng cá nhân, tập thể được khen thưởng hàng năm.
Để phong trào thi đua yêu nước ngày càng tăng cả về chất và lượng, chúng ta cần phải làm gì?
Bà Phan Thị Hồng Loan: Muốn phong trào thi đua phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, chúng ta cần: Xây dựng phong trào thi đua bám sát các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trọng tâm, sát với thực tế của tỉnh như bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về công tác thi đua, làm cho thi đua thực sự là động lực thúc đẩy sự phát triển, đồng thời đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Việc tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về thi đua cần gắn chặt với việc “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, làm cho cuộc vận động này trở thành mục tiêu thi đua, động lực thi đua đối với mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân.
Ngoài ra, phong trào thi đua cần đi vào cụ thể, được phát động một cách thường xuyên, liên tục, đồng thời phải chú ý tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm có tính đột phá. Cần đẩy mạnh việc chăm lo xây dựng điển hình tiên tiến và nhân rộng học tập các gương điển hình tiên tiến. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách và các quy định về thi đua, khen thưởng. Phong trào thi đua phải được sơ kết, tổng kết, rút ưu, khuyết điểm, bài học kinh nghiệm… Thực hiện tốt những yêu cầu trên, tôi tin rằng phong trào thi đua sẽ trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà đi lên.
Xin cám ơn bà !
Bài và ảnh: Ngự Bình Báo Thừa Thiên Huế Các tin khác
|